Trang nhất » Tin Tức » Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật

Tuyên truyền an toàn giao thông năm học 2023-2024

Thứ ba - 14/11/2023 07:46

Tuyên truyền an toàn giao thông năm học 2023-2024


                   Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh!
     An toàn giao thông luôn là vấn đề lớn được cả xã hội quan tâm. Đi khắp nẻo đường gần xa, khẩu hiệu “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà” như lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh báo với những người đang tham gia giao thông, hãy chấp hành luật giao thông để đem lại an toàn, hạnh phúc cho chính bản thân và gia đình mình.
     Hưởng ứng năm an toàn giao thông 2023 với chủ đề “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”, đồng thời để giúp các em hiểu và có ý thức chấp hành khi tham gia giao thông và thực hiện tốt nguyên tắc giao thông: Không phóng nhanh vượt ẩu; không đi ngược chiều; không đi dàn hàng hai, hàng ba; cẩn thận khi rẽ phải, rẽ trái; khi đi bộ không dàn hàng ngang 3,4 người; đi đúng phần đường, làn đường quy định, khi qua đường phải nhìn trước, nhìn sau; đội mũ bảo hiểm đúng quy cách khi tham gia giao thông;... Sau đây là một số nội dung cơ bản, quan trọng giúp các em học sinh thực hiện nhằm đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường bộ:
1. Đối với học sinh tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe đạp máy, xe máy điện:
- Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp máy phải có đăng ký và gắn biển kiểm soát theo quy định.
- Chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và người chỉ huy, điều khiển giao thông.
- Người điều khiển, ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.
- Điều khiển xe phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng phần đường, làn đường quy định và chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
- Không dừng, đỗ xe, tụ tập dưới lòng đường, hè phố.
- Phải có tín hiệu báo hướng rẽ khi chuyển hướng, chú ý quan sát để đảm bảo an toàn.
- Không đi xe dàn hàng ngang, không chở quá số người quy định.
- Không lạng lách đánh võng trên đường.
2. Đội mũ bảo hiểm an toàn và đúng quy cách phải tuân thủ theo những bước sau đây:
Bước 1: Mở dây quai mũ bảo hiểm sang 2 bên, đội mũ lên đầu và kiểm tra xem mũ có vừa đầu không. Không đội mũ quá rộng so với đầu bởi khi đi xe máy mũ sẽ bị sụp xuống mặt hoặc lật ra phía sau, không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Bước 2: Phải luôn cài quai mũ vì nếu đội mũ bảo hiểm mà không cài quai thì mũ sẽ không có tác dụng bảo vệ. Không cài quai mũ quá chật hoặc quá lỏng. Sau khi cài quay hãy thử nhét 2 ngón tay xuống dưới cằm. Nếu nhét được 1 hoặc 2 ngón tau là vừa. Nếu cài quai mũ lỏng cũng có thể bị lật khỏi đầu ra phía sau gáy và quai mũ sẽ vướng vào cổ, gây nguy hiểm khi xảy ra va chạm. Nếu cài quai mũ quá chật sẽ tạo cảm giác vướng víu, khó chịu khi điều khiển xe trên đường.
3. Đối với học sinh điều khiển, ngồi trên xe đạp:
Điều khiển xe đạp phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng phần đường, làn đường quy định và chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
4. Đối với học sinh đi bộ khi tham gia giao thông:
- Phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì phải sát mép đường về phía tay phải theo chiều đi của mình; đi đúng phần đường, làn đường dành cho người đi bộ.
- Chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.
- Đối với những nơi không có đèn tín hiệu, không có có vạch kẻ đường phải dừng lại bên đường, quan sát 2 bên, lắng nghe tiếng động cơ ô tô, xe máy cẩn thận, giơ tay ra hiệu xin qua đường và chọn thời điểm thích hợp (có ít xe qua lại), nhìn bên trái tránh phương tiện cơ giới từ chiều bên trái tới, đi thẳng đến giữa đường quay sang nhìn bên phải tránh phương tiện cơ giới từ bên phải tới, chỉ qua đường khi đảm bảo an toàn và chịuh trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.
- Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
5. Quy định về xử phạt hành chính khi vi phạm một số lỗi cơ bản trong tham gia giao thông:
a. Lỗi không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông:
Khoản 2 điều 30 Luật Giao thông đường bộ quy định: “ Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách”. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm i, khoản 2, Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019, được sửa đổi, bổ sung tại điểm B, khoản 4, Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ: Phạt tiền từ 400.000đ đến 600.000đ đối với một trong số các hành vi vi phạm sau:
- Không đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" hoặc đội "mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ.
- Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
b. Lỗi vi phạm về độ tuổi và lỗi thiếu giấy tờ khi tham gia giao thông:
- Tại khoản 1, Điều 21, mục 4, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 11, Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định:
+ Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô.
+ Phạt tiền từ 100.000đ đến 200.000đ đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a. Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.
b. Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo giấy đăng ký xe.
c. Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ trường hợp có giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia.
- Theo quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 21, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11, Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ: Phạt tiền từ 400.000đ đến 600.000đ đối với: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xilanh từ 50 cm3 trở lên.
- Theo quy định tại điểm đ, khoản 5, Điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô : Phạt tiền từ 800.000đ đến 2.000.000đ đối với cá nhân, từ 1.600.000đ đến 4.000.000đ đối với tổ chức khi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản1, Điều 58 của Luật giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có GPLX nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng).
* Cán bộ, giáo viên, học sinh trường THCS Yên Nghĩa gương mẫu, nhiệt tình thực hiện nghiêm chỉnh luật giao thông đường bộ là đã góp phần làm giảm thiểu TNGT trên địa bàn. Cuộc sống của chúng ta ở phía trước có rất nhiều điều tốt đẹp, tương lai đang rộng mở và chờ đón các em trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Chúng ta hãy là người biết sống văn minh, lịch sự và xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
                                                                                                       Trường THCS Yên Nghĩa
 

Tác giả: Lê Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây