Trang nhất » Tin Tức » Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật

Tuyên truyền giáo dục Pháp luật chủ đề:"Phòng chống bạo lực học đường"

Thứ sáu - 16/12/2022 13:51
     Bạo lực học đường hiện đang là vấn đề nóng, nó trở thành mối quan tâm của nhiều gia đình, nhà trường; là nỗi trăn trở của toàn xã hội. Bạo lực học đường không những gây ra những tác động xấu đến mối quan hệ giữa trò với trò, thầy với trò mà còn gây hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần, thái độ học tập của học sinh, sự giảng dạy của thầy cô giáo và các hoạt động giáo dục của nhà trường. Nhận thấy tầm quan trọng của việc nâng cao hiểu biết, nhận thức của học sinh về bạo lực học đường, ngày 12/12, trường THCS Yên Nghĩa phối hợp với Công an quận Hà Đông tổ chức buổi Tuyên truyền giáo dục pháp luật với chủ đề: “Phòng chống bạo lực học đường”.
     Đến dự với buổi Tuyên truyền pháp luật có sự góp mặt của cô Hoàng Thị Thu Trinh – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường THCS Yên Nghĩa; thầy Trần Hữu Thụ - Phó Hiệu trưởng nhà trường; cô Nguyễn Thị Hải Hằng – Phó Hiệu trưởng nhà trường; Đại tá Mai Thái Nguyên – Đội Cảnh sát Hình sự; Đại tá Mai Tường Linh – Đội An ninh Công an quận Hà Đông và toàn thể giáo viên, học sinh trường THCS Yên Nghĩa.
 
     Phát biểu tại buổi tuyên truyền, Đại tá Mai Thái Nguyên cho biết: “Theo số liệu được Bộ Giáo dục và đào tạo đưa ra gần đây nhất, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 HS thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công an mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội. Trước kia: tội phạm giết người trong độ tuổi từ 30 đến dưới 45 chiếm số lượng cao nhất. Bây giờ giảm còn 34% so với 41% của độ tuổi 18 đến dưới 30 (độ tuổi từ 14 đến dưới 18 chiếm đến 17%)”.
     Bạo lực học đường có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng hậu quả mà nó để lại ảnh hưởng đến cả thể xác và tinh thần của học sinh và gia đình. Chính vì vậy, bản thân mỗi học sinh cần tích cực rèn luyện kĩ năng sống; tôn trọng nhân phẩm và thân thể của bản thân và bạn bè cũng như người khác; chấp hành tốt nội quy trường lớp; tránh xa bạo lực (không gây bạo lực, cổ động, kích động, bao che cho hành vi bạo lực, nói không với phim ảnh, video bạo lực); nếu thấy hiện tượng bạo lực phải kịp thời báo ngay cho nhà trường, thầy cô giáo hoặc cơ quan có thẩm quyền để kịp thời can thiệp và xử lí; tuyên truyền, giúp đỡ cho bạn bè, gia đình hiểu rõ về bạo lực học đường và cách phòng tránh… Đặc biệt, khi bản thân gặp vấn đề trong các mối quan hệ, nên chia sẻ cùng bạn bè, người thân và thầy cô để nhận được lời khuyên và giúp đỡ cần thiết kịp thời…
     Thông qua buổi tuyên truyền, các em học sinh của nhà trường đã hiểu được nguyên nhân và hậu quả của bạo lực học đường, để từ đó giúp các em điều chỉnh hành vi, cách ứng xử đúng pháp luật, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, gia đình theo đúng chuẩn mực đạo đức, lối sống của một người học sinh.

Tác giả: Lê Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây