Kính thư quý thầy cô giáo! Thưa toàn thể các em học sinh thân mến!
Chúng ta đã rất quen thuộc với tác phẩm “ Tắt đèn” của tác giả Ngô Tất Tố. Là nhà văn được coi là hàng đầu của trào lưu hiện thực phê phán ở Việt Nam trước năm 1945, ông có rất nhiều tác phẩm tiêu biểu. Hôm nay thư viện xin giới thiệu thêm một tác phẩm nằm trong những tác phẩm tiêu biểu của hiện thực phê phán đó là tác phẩm “Lều chõng”
Với khổ sách 14.5x20.5cm, dày 423tr. Đây là cuốn tiểu thuyết- phóng sự miêu tả tấn bi kịch của những nhà Nho có tài trong xã hội phong kiến và được coi là lời chỉ trích sâu sắc những tồn tại của nền văn hóa cũ. Là một tác phẩm kể lại chế độ thi cử của nhân dân Việt Nam xưa. Khác xa với những chế độ thi cử thuở nguyên thủy, tác phẩm nói đến những luật lệ vẫn như xưa nhưng có thật sự là vậy? Với mở đầu là câu chuyện đõ quan Nghè và lễ rước quan vinh quy, để dẫn đến chuyện cô Ngọc và người con trai ham học Vân Hạc lấy được nhau. Từ đó, tác giả bắt đầu kể lại những câu chuyện đi thi của anh một cách tài tình. Đến mấy lần thi lại khiến cho Vân Hạc gần nản chí nhưng vẫn được Ngọc an ủi. Và những cái sự thi rớt ấy cũng chỉ từ quan trường mà ra. Hại bao nhiêu người! Đắng cay nhất là lần thi cuối trong câu truyện. Đã đỗ đến thi Hội, vào đến thi Đình rồi mà vẫn trượt và lại còn bị bắt chỉ tại một vài cái oái ăm của Hán học. Và như vậy là câu truyện đã kết thúc với bài thơ của cô Ngọc. Tác phẩm đã tái hiện một cách sinh động, sắc nét, giúp các thế hệ hậu sinh lội ngược dòng thời gian để khám phá về thời kỳ lều chõng, hiểu được “bi kịch” của giới nhà Nho- lớp trí thức thời xưa. Xây dựng "Lều chõng", Ngô Tất Tố muốn cho người đọc thấy được cách học cổ hủ, giáo điều và lối thi cử lỗi thời dưới chế độ phong kiến suy tàn. Nhà nước phong kiến muốn kén chọn nhân tài, nhưng lại loại mất những người có tài. Người có tương lai và thông minh như Vân Hạc có một số nhận thức về học tập, về thi cử không giống các bạn của anh, nhưng rồi “công danh ai dứt lối nào cho qua” anh cũng vẫn lều chõng đi thi. Còn người con gái lấy chồng thì không phải vi tình yêu, mà vì muốn được làm bà nghè, bà thám. Lều chõng đã miêu tả một bi kịch của lớp người trí thức và phụ nữ thời phong kiến, do sự vỡ mộng về “công không thành danh chẳng toại”, anh đồ vẫn hoàn toàn là anh đồ và chị đồ vẫn hoàn toàn là chị đồ. Qua tác phầm, Ngô Tất Tố đã giáng những đòn rất mạnh vào chế độ phong kiến hủ bại và những kẻ muốn lấy đạo Nho làm nền tảng “ tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Tác phẩm mang giá trị tư liệu lịch sử sâu sắc về chế độ khoa cử và giáo dục ở triều Nguyễn khi xưa. Các bạn học sinh và quý thầy cô muốn tìm đọc thì hãy tới thư viện trường mình tại khu đọc sách truyện nhé!. Cuối cùng chúc quý thầy cô sức khỏe, chúc các bạn chăm ngoan học giỏi, chân thành cảm ơn quý thầy cô cùng các bạn!