Trang nhất » Tin Tức » Tin tức - Sự kiện

Bài tuyên truyền "Phòng, chống ma túy trong học đường"

Thứ ba - 25/06/2024 20:19

Bài tuyên truyền "Phòng, chống ma túy trong học đường"

         Tệ nạn ma túy đang là hiểm hoạ của các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới; là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS. Hậu quả, tác hại do tệ nạn ma tuý gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và trật tự an toàn xã hội của đất nước. Phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với tệ nạn ma túy là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.
          Trong những năm qua, tệ nạn ma tuý ở Việt Nam vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp và có xu hướng gia tăng cùng với việc xuất hiện nhiều loại ma tuý mới như: Heroin, cần sa, ma tuý đá, thuốc lắc, bóng cười, viên ma túy tổng hợp… được đối tượng buôn bán ngụy trang một cách tinh vi; lôi kéo người sử dụng dẫn đến nghiện ngập. Đáng báo động, đối tượng sử dụng ma túy tập trung ở độ tuổi thanh niên, thậm chí đã bắt đầu trẻ hóa đến tuổi vị thành niên và học sinh. Những kẻ buôn bán ma túy thường dụ dỗ các đối tượng học sinh, sinh viên bằng cách cho hút không mất tiền, khi đã nghiện thì các em sẽ trở thành công cụ để chúng kiếm tiền, đưa vào con đường như: trộm cắp, cướp giật, mua bán ma túy… Vậy ma túy là gì? Tác hại của ma tuý với sức khoẻ thể chất, tinh thần con người như thế nào và học sinh chúng ta phải làm gì để ngăn chặn và phòng tránh ma túy?
 
  1.    1.Ma túy là gì?
       Theo Liên Hợp quốc thì “ma tuý là chất hoá học có nguồn gốc tự nhiên hoặc nhân tạo, khi xâm nhập vào cơ thể con người sẽ có tác dụng làm thay đổi tâm trạng, ý thức trí tuệ của con người, làm cho người bị lệ thuộc vào các chất đó, gây nên những tổn thương cho từng cá nhân và cộng đồng. Do vậy, việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán, sử dụng các chất đó phải được quy định chặt chẽ trong các văn bản Pháp luật và chịu sự kiểm soát của cơ quan bảo vệ Pháp luật".
Bộ luật Hình sự được quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 21-12-1999, đã quy định các tội phạm về ma tuý. Theo đó, ma tuý bao gồm nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao côca, lá hoa-quả cây cần sa, lá cô ca, quả thuốc phiện khô, quả thuốc phiện tươi, hêrôin, côcain, các chất ma tuý khác ở thể lỏng, các chất ma tuý khác ở thể rắn.
     2.Tác hại của ma túy                                                                                                                                
     2.1Tác hại đối với sức khỏe
       - Đối với hệ hô hấp: Các chất ma túy kích thích hô hấp gây tăng tần số thở trong thời gian ngắn, sau đó sẽ gây ức chế hô hấp, nhất là khi dùng quá liều. Nhiều trường hợp ngưng thở nếu không cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong, đôi khi ngưng thở rất đột ngột.
      - Đối với hệ tim mạch: Các chất ma túy sẽ kích thích làm tăng nhịp tim, ảnh hưởng trực tiếp lên tim, gây co thắt mạch vành tạo nên cơn đau thắt ngực, nặng hơn có thể gây nhồi máu cơ tim. Chúng cũng là nguyên nhân của các rối loạn nhịp đe dọa tính mạng người dùng ma túy. Ngoài ra còn gây nên tình trạng co mạch làm tăng huyết áp.
      - Đối với hệ thần kinh: Ngoài tác dụng kích thích thần kinh giai đoạn đầu gây hưng phấn, sảng khoái, lệ thuộc thuốc…, cũng có thể gây các tai biến như: co giật, xuất huyết dưới nhện, đột quị...
Ngoài ra, người dùng ma túy còn phải chịu những tác hại khác như: hoại tử tế bào gan, ảo thính, ảo thị...
       2.2. Ảnh hưởng đến bản thân
      - Ma tuý làm huỷ hoại sức khoẻ, làm mất khả năng lao động, học tập, làm cho thần kinh người nghiện bị tổn hại. Dùng ma tuý quá liều có thể dẫn đến cái chết.
      - Gây nghiện mạnh, sức khoẻ giảm sút. Tiêm chích ma tuý dùng chung bơm kim tiêm không tiệt trùng dẫn đến lây nhiễm viêm gan virus B, C, đặc biệt là HIV (dẫn đến cái chết). Tiêm chích ma tuý là một trong những con đường lây nhiễm HIV phổ biến nhất tại Việt Nam. Người nghiện ma tuý có thể mang virus HIV và lây truyền cho vợ/bạn tình và con cái họ.
      - Thoái hoá nhân cách, rối loạn hành vi, lối sống buông thả, dễ vi phạm pháp luật.
      - Mâu thuẫn và bất hoà với bạn bè, thầy cô giáo và gia đình.
      - Mất lòng tin với mọi người, dễ bị người khác lợi dụng, học tập giảm sút hoặc bỏ học, ảnh hưởng đến tương lai tiền đồ, nếu đã có việc làm thì dễ bị mất việc làm.
     2.3. Ảnh hưởng đến gia đình
     - Làm tiêu hao tiền bạc của bản thân và gia đình. Nhu cầu cần tiền để mua ma tuý của người nghiện là rất lớn, mỗi ngày ít nhất từ 50.000-100.000đ thậm chí 1.000.000 - 2.000.000đ/ ngày, vì vậy khi lên cơn nghiện người nghiện ma tuý có thể tiêu tốn hết tiền của, tài sản, đồ đạc của gia đình vào việc mua ma tuý để thoả mãn cơn nghiện của mình, hoặc để có tiền sử dụng ma tuý, nhiều người đã trộm cắp, hành nghề mại dâm, hoặc thậm chí giết người, cướp của.
     - Sức khoẻ các thành viên khác trong gia đình giảm sút (lo lắng, mặc cảm, ăn không ngon, ngủ không yên...vì trong gia đình có người nghiện)
     - Gây tổn thất về tình cảm (thất vọng, buồn khổ, hạnh phúc gia đình tan vỡ, ly thân, ly hôn, con cái không ai chăm sóc...)
     - Gia đình tốn thời gian, chi phí chăm sóc và điều trị các bệnh của người nghiện do ma tuý gây ra.
     2.4. Ảnh hưởng đến xã hội
     - Gây mất trật tự an toàn xã hội, gia tăng các tệ nạn xã hội: Lừa đảo, trộm cắp, giết người, mại dâm, băng nhóm...
     - Ảnh hưởng đến đạo đức, thuần phong mỹ tục lâu đời của dân tộc. Làm giảm sút sức lao động sản xuất trong xã hội. Tăng chi phí ngân sách xã hội cho các hoạt động ngăn ngừa, khắc phục, giải quyết các hậu quả do ma tuý đem lại- Ảnh hưởng đến giống nòi, huỷ diệt giống nòi: do các chất ma tuý ảnh hưởng đến hệ thống hoocmon sinh sản, làm giảm khả năng sinh hoạt tình dục, ảnh hưởng đến quá trình phân bào hình thành các giao tử, tạo cơ hội cho các gien độc có điều kiện hoạt hoá, dẫn tới suy yếu nòi giống.
     3. Học sinh chúng ta làm gì để ngăn chặn và phòng ma túy?
     - Không tham gia sử dụng, vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.
     - Không xúi giục người khác tham gia vào tệ nạn ma túy và các tệ nạn xã hội khác.
     - Khi phát hiện những cá nhân, tổ chức có liên quan đến ma túy cần báo ngay cho Cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời xử lí.
     - Quan tâm, động viên, chia sẻ, giúp đỡ những người cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Không kì thị, xa lánh người cai nghiện.
     - Tích cực học tập nâng cao trình độ về mọi mặt ứng phó kịp thời với những tình huống có thể xảy ra. Tìm hiểu về tác hại của ma túy thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sách báo, cộng đồng để có nhận thức đúng đắn về tác hại của ma túy. Từ đó, trong từng trường hợp cụ thể có thể tuyên truyền, vận động cho mọi người cùng phòng tránh ma túy.
     Vì tương lai của bản thân và đất nước, ngay bây giờ mỗi học sinh hãy có những hiểu biết và hành động đúng đắn trong việc phòng chống ma túy.
     Trên đây là những kiến thức để phòng chống ma túy và các chất gây nghiện, hi vọng rằng qua bài biết này quý phụ huynh và các em học sinh đã trang bị thêm cho mình những kiến thức phòng tránh, để chúng ta luôn đảm bảo đủ sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần trong vui chơi, học tập và lao động.

 

Tác giả: Lê Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây