Trang nhất » Tin Tức » Thư viện

Thư viện trường THCS Yên Nghĩa giới thiệu sách tháng 2 năm 2023

Thứ năm - 02/02/2023 09:12

Thư viện trường THCS Yên Nghĩa giới thiệu sách tháng 2 năm 2023


Kính thư quý thầy cô giáo!
Thưa toàn thể các em học sinh thân mến!

     Một mùa xuân nữa lại đến với bao điều mới trong một năm mới và ngày hôm nay thư viện xin giới thiệu cuốn sách “Nửa chừng xuân” của tác giả Khải Hưng.  Cũng là tác phẩm mang lại cơn gió mới trong thời kỳ đó.
     Nửa chừng xuân được đăng trên tờ Phong Hóa vào năm 1933 và do Đời Nay xuất bản vào năm 1934. Nó được coi như tác phẩm quan trọng thứ hai của Khái Hưng sau Hồn bướm mơ tiên và cũng là tiểu thuyết đánh dấu thời điểm rực rỡ của Tự Lực Văn Đoàn trên lãnh vực báo chí cũng như trong việc xây dựng thời kỳ thành tựu cho Văn học chữ Quốc ngữ. Tác phẩm kể lại một truyện tình trong buổi giao thời của xã hội ta những năm đầu của tiền bán thế kỷ XX. Đây là thời kỳ giữa cái cũ và cái mới có sự xung đột và nhân vật chính trong truyện là nạn nhân của sự xung đột này. Tuy nhiên họ đã tìm ra lối thoát nhờ đủ nghị lực hướng tới xây dựng tương lai. Nhờ đâu lớp trẻ dưới ngòi bút của Khái Hưng lại có thành tựu này?
     Nửa chừng xuân kể về cuộc đời người con gái nền nếp có nhan sắc, cha mẹ mất sớm, sống nuôi em trai ăn học. Mai đem lòng yêu Lộc, con cụ Án, gia đình mà trước đây cụ Tú, bố Mai, đã từng sống và dạy học. Lộc làm tham tá , một trí thức mang nhiều tư tưởng mới. Lộc đã giúp đỡ Mai nhiều để vượt qua những cảnh ngộ khó khăn. Tình yêu giữa hai người có nhiều điểm gặp gỡ và cơ sở bền chặt. Vừa là chỗ quen biết cũ, vừa nặng ân nghĩa, lại đằm thắm say mê tự do lựa chọn của đôi lứa, nhưng hạnh phúc của Mai và Lộc đã bị lễ giáo của đại gia đình phong kiến ngăn chặn lại. Lộc phải nhờ một bà cụ giả làm bà Án để chính thức việc hôn lễ. Biết rõ điều đó nhưng yêu Lộc , Mai vẫn chấp nhận để rồi chung sống hạnh phúc với nhau. Bà Án đã tìm ra tổ ấm đó và kiên quyết phá tan hạnh phúc của cặp vợ chồng trẻ này bằng nhiều mưu kế xảo quyệt. Bụng mang dạ chữa Mai phải cùng em dứt nhà ra đi kiếm sống bằng nhiều nghề và sau này ổn định cuộc sống trong gia đình nhỏ êm ấm bên cạnh Huy người em dạy học và đứa con trai nhỏ ở một tỉnh xa. Bị mắc vào mưu kế của bà Án, Lộc nghi ngờ Mai, vâng lời mẹ lấy người con gái con ông Tuần. Hai người sống với nhau nhưng không có hạnh phúc. Bà Án không có cháu trai nối dõi tông đường nên tìm cách gặp Mai để đòi lại đứa cháu nhỏ. Lộc khi biết rõ Mai là người trong trắng và nỗi đau khổ nàng phải chịu đựng trong nhiều năm vì bà Án và thái độ thiếu trách nhiệm của mình nên đã gặp Mai để tạ tội lỗi và xin được đoàn tụ. Mai vẫn yêu Lộc nhưng khuyên chàng hãy giữ lấy tình yêu đó và từ chối cuộc sống chung của gia đình. Một tuổi đời dang dở ở độ nữa chừng xuân và một tình yêu lí tưởng vượt lên nhiều đau khổ đã khép câu chuyện lại với nhiều bâng khuâng xúc động
     Nửa chừng xuân có một cốt truyện hấp dẫn với nhiều tình huống éo le nhưng không xa lạ. Khái Hưng với nghệ thuật tiểu thuyết khá vững vàng đã dẫn dắt câu chuyện uyển chuyển linh hoạt, khi đi vào chiều sâu tâm lí nhân vật khi đối thoại sắc sảo, khi gợi những cảm xúc tinh vi ở người đọc.
     Với một kết thúc lý tưởng Nửa chừng xuân đúng là tiểu thuyết lý tưởng. Ở đó, tình yêu được thăng hoa, nhân vật chính biến thành thánh thiện. Khái Hưng đã dùng những chi tiết hy sinh, thủ tiết, nhan sắc lộng lẫy… để mô tả Mai. Mai là phụ nữ hiếm có trong buổi giao thời, giàu tấm lòng vị tha, với khuôn mẫu đủ cả công, dung, ngôn, hạnh, với nghị lực chấp nhận khó khăn và vượt trở lực trên đường đời. Cả đời nàng chỉ biết thờ hai chữ hy sinh, hy sinh cho em, cho con và cho cả mối tình đầu trước mọi cám dỗ và thử thách mặc dù hạnh phúc lứa đôi đã chấm dứt ở tuổi nửa chừng xuân. Hủ tục cũ, con người cũ như Hàn Thanh và bà Án bị đào thải không phải do cái mới mà do chính phần tinh hoa của nền luân lý cũ. Chiến thắng của cái mới do chính con người cũ với truyền thống tốt đẹp của dân tộc tạo ra. Cái mới trong Nửa chừng xuân còn rụt rè, ngập ngừng chưa đủ sức lôi cuốn giới trẻ.
     Độc giả những năm đầu thập niên 1930, người cũ, cũng như người mới tìm thấy ở Nửa chừng xuân khát vọng, tâm tình và hướng giải thoát của họ nên tác phẩm đã được đón nhận nồng nhiệt và Khái Hưng trở thành cây bút cho tuổi trẻ thời đó. Trong Nửa chừng xuân không những tình yêu được lý tưởng hóa, mà tình chị em, chủ tớ (lão bộc Hạnh đối với Mai và Huy), tình bè bạn, mối thông cảm giữa những người lao động… cũng được nâng cao ở mức khó kiếm trong đời thường. Trong đoạn sau đây chúng ta có cơ hội hiểu thêm được các truyền thống quý giá của nền văn hóa cũ qua lời trăng trối của cụ Tú Lãm trong giờ lâm tử:
     Các bạn học sinh và quý thầy cô muốn tìm đọc thì hãy tới thư viện trường mình tại khu đọc sách truyện nhé!.
     Cuối cùng chúc quý thầy cô sức khỏe, chúc các bạn chăm ngoan học giỏi, chân thành cảm ơn quý thầy cô cùng các bạn!.


 

Tác giả: Lê Chính

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây